Xét nghiệm ký sinh trùng bao gồm các phương pháp như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, soi máu, soi dịch đờm, xét nghiệm mô bệnh học, soi tế bào sừng... Các xét nghiệm này được kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, chụp X-quang, để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
1. Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân được chỉ định khi bệnh nhân có các dấu hiệu, triệu chứng nhiễm ký sinh trùng. Phương pháp này giúp tìm ký sinh trùng trực tiếp có mặt trong phân thông qua ký sinh trùng trưởng thành, trứng hay ấu trùng của chúng. Ưu điểm của phương pháp này là xét nghiệm nhanh chóng phát hiện được sự có mặt của trứng, ấu trùng ký sinh trùng được đào thải qua phân.
Nhược điểm là đối với những ký sinh trùng lạc chỗ, thường không đào thải trứng, ấu trùng qua phân.
Có 2 phương pháp xét nghiệm phân chính:
- Soi phân trực tiếp: tìm sự có mặt của trứng, ấu trùng đơn bào, ký sinh trùng trưởng thành trong phân.
- Soi phân tập trung: tìm trứng của các loại ký sinh trùng, chẩn đoán cơ thể nhiễm bao nhiêu loại ký sinh trùng.
2. Xét nghiệm máu
Bằng phương pháp này có thể tìm kháng thể kháng ký sinh trùng trong máu, xét nghiệm này được chỉ định khi có nghi ngờ bệnh do ký sinh trùng gây ra. Ngoài ra, phương pháp xét nghiệm này còn dùng để tầm soát nhiễm ký sinh trùng trong cộng đồng.
Phương pháp này ra đời vào những năm 60 của thế kỷ 20, được áp dụng tại các quốc gia Anh, Mỹ, Đức, Pháp,... Sau này, Nhật Bản nghiên cứu hoàn thiện và sử dụng trong tầm soát nhiễm ký sinh trùng ở người.
3. Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi
Phương pháp này được chỉ định khi nghi ngờ bệnh nhân nhiễm các ký sinh trùng gây sốt rét, giun chỉ bạch huyết, với độ nhạy và độ đặc hiệu cao xét nghiệm soi tế bào nội vi có thể cho kết quả nhanh chóng, chính xác.
Xét nghiệm ký sinh trùng thực hiện tốt nhất vào khoảng 22 - 24h đêm đối với tìm giun chỉ bạch huyết, hoặc được lấy máu khi bệnh nhân có cơn sốt đối với tìm ký sinh trùng sốt rét.